Tông Huấn
Amoris Laetitia
Niềm Vui Yêu Thương


Chương 7: Củng cố việc giáo dục con cái (từ số 259-279)

Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 259-279)
Vũ Văn An4/28/2016

Chương Bảy: Hướng tới việc giáo dục con cái tốt hơn

259. Cha mẹ luôn ảnh hưởng tới việc phát triển con cái về luân lý, hoặc tốt hoặc xấu. Thành thử, họ nên đảm nhiệm vai trò chủ chốt này và thi hành nó một cách có ý thức, hăng hái, hữu lý và thích đáng. Vì vai trò giáo dục của các gia đình quan trọng như thế, và càng ngày càng phức tạp hơn, nên tôi muốn thảo luận việc này một cách chi tiết.

Con cái ta đang ở đâu?

260. Các gia đình không thể là gì khác hơn là những nơi để nâng đỡ, chỉ bảo và hướng dẫn, bất kể họ phải tái suy nghĩ rất nhiều về các phương pháp sử dụng và khám phá ra những nguồn tài nguyên mới mẻ. Cha mẹ cần cân nhắc việc họ muốn con cái họ phải giáp mặt với những điều gì, và việc này nhất thiết có nghĩa phải quan tâm đến việc ai sẽ cung cấp việc giải trí của chúng, ai sẽ vào phòng chúng qua ngả truyền hình và các dụng cụ điện tử, và chúng sẽ dùng thì giờ rảnh rỗi của chúng với những ai. Chỉ khi nào ta dành thì giờ cho con cái, nói với chúng một cách đơn sơ và đầy quan tâm về những điều quan trọng, và tìm ra các cách lành mạnh để chúng sử dụng thì giờ của chúng, ta mới có thể bảo vệ chúng khỏi nguy hại. Cảnh giác luôn là điều cần thiết và sao lãng không bao giờ có ích. Cha mẹ phải giúp chuẩn bị để trẻ em và các thiếu niên đương đầu được với các nguy cơ, như gây hấn, lạm dụng hoặc ghiền ma túy.

261. Tuy nhiên, ám ảnh không phải là giáo dục. Ta không thể kiểm soát mọi hoàn cảnh mà một đứa con có thể trải qua. Ở đây, điều mãi mãi đúng là “thời gian lớn hơn không gian” (291). Nói cách khác, khởi đầu một diễn trình là điều quan trọng hơn việc khống chế không gian. Nếu các cha mẹ cứ bị ám ảnh với việc phải biết cho bằng được con cái họ đang ở đâu và lo kiểm soát mọi chuyển động của chúng, thì họ chỉ tìm cách khống chế không gian. Nhưng việc này không hề là giáo dục, là củng cố và chuẩn bị để con cái đương đầu với các thách đố. Điều quan trọng hơn cả là khả năng âu yếm giúp chúng lớn mạnh trong tự do, già dặn, kỷ luật tổng thể và thực sự tự lập. Chỉ với cách này, con cái mới tiến tới chỗ sở đắc được các phương thế cần thiết để tự chống đỡ và hành động thông minh và khôn ngoan bất cứ khi nào đương đầu với các khó khăn. Như thế, vấn đề có thực chất ở đây không phải con cái ta đang ở đâu về phương diện thể lý, hay chúng đang ở với ai vào một lúc nhất định nào đó, mà đúng hơn chúng đang ở đâu về phương diện hiện sinh, chúng đang đứng ở đâu về phương diện xác tín, mục tiêu, ước muốn và giấc mơ. Các câu hỏi tôi muốn đặt ra cho các cha mẹ là: “ta có tìm cách hiểu con cái ta thực sự đang ‘ở đâu’ trong hành trình của chúng không? Linh hồn chúng đang ở đâu, ta có thực sự biết hay không? Và trên hết, ta có muốn biết hay không?” (292).

262. Nếu trưởng thành chỉ là việc phát triển một điều gì đó vốn đã có trong mã di truyền của ta, thì ít có việc gì cần phải làm. Nhưng sự khôn ngoan, phán đoán đúng và lương tri không tùy thuộc các nhân tố phát triển chỉ có lượng tính (quantitative), mà đúng hơn tùy thuộc cả một loạt sự việc cùng xuất hiện với nhau ở thẳm sâu mỗi con người, hay đúng hơn, ở chính cốt lõi tự do của ta. Việc không thể tránh được là mỗi đứa trẻ sẽ làm ta ngạc nhiên với những ý nghĩ và dự án phát sinh từ chính tự do ấy khiến ta phải suy nghĩ lại các ý nghĩ của chính ta. Đó là một điều tốt. Giáo dục là khuyến khích việc sử dụng tự do có trách nhiệm để xử lý các vấn đề một cách hợp lương tri và trí thông minh. Nó bao gồm việc đào luyện con người để họ sẵn sàng hiểu rằng đời sống của chính họ và đời sống của cộng đồng đang nằm trong tay họ, và tự do tự nó là một ơn phúc vĩ đại.

Đào tạo đạo đức cho con cái

263. Các cha mẹ dựa vào nhà trường để bảo đảm việc học hành của con cái, nhưng không bao giờ uỷ quyền hoàn toàn cho người khác việc đào tạo chúng về phương diện luân lý. Việc phát triển về cảm giới và đạo đức tối hậu của một con người đặt cơ sở trên một kinh nghiệm đặc thù, tức tin rằng cha mẹ họ đáng tin cậy. Điều này có nghĩa: là những nhà giáo dục, cha mẹ, bằng tình âu yếm và gương sáng của họ, có trách nhiệm truyền dẫn vào con cái lòng tín thác và sự kính trọng trìu mến. Khi con cái, bất chấp mọi lỗi lầm của chúng, không cảm nhận là chúng quan trọng đối với cha mẹ nữa, hay cha mẹ chúng thành thực quan tâm tới chúng nữa, thì việc này gây nên những vết thương sâu hoắc và nhiều khó khăn trên con đường trưởng thành của chúng. Việc thiếu vắng thể lý hay xúc cảm này tạo ra vết thương lớn hơn so với bất cứ sự la mắng nào mà đứa con có thể lãnh nhận vì đã làm một điều gì sai.

264. Cha mẹ cũng có trách nhiệm đào luyện ý chí của con cái mình, cổ vũ các thói quen tốt và khuynh hướng tự nhiên nghiêng về điều thiện. Điều này bao hàm việc trình bầy cho chúng một số phương cách suy nghĩ và hành động đáng ước ao và có giá trị, như là thành phần của diễn trình lớn mạnh tiệm tiến. Ước muốn được hoà hợp vào xã hội, hay thói quen từ bỏ một khoái cảm tức khắc vì cuộc sống chung tốt đẹp và có trật tự hơn tự nó là một giá trị có thể gợi hứng cho đứa trẻ cởi mở hơn với các giá trị lớn hơn. Việc đào tạo luân lý nên luôn luôn diễn ra với các phương pháp tích cực và một cuộc đối thoại biết dạy đứa trẻ một cách nhậy cảm và biết sử dụng thứ ngôn ngữ mà đứa trẻ có thể hiểu được. Nó cũng cần diễn ra một cách qui nạp (inductively), để con cái học được cho mình sự quan trọng của một số giá trị, nguyên tắc và qui luật, đúng hơn là áp đặt những điều này như những chân lý tuyệt đối, không được đặt nghi vấn.

265. Làm điều đúng không phải chỉ là “việc phán đoán điều xem ra tốt nhất” hay biết rõ điều phải làm, dù việc này là việc quan trọng. Ta thường tỏ ta không nhất quán trong các xác tín của mình, bất kể chúng vững chắc ra sao; ngay khi lương tâm ta đưa ra một quyết định luân lý rõ ràng, nhiều nhân tố khác đôi lúc tỏ ra hấp dẫn và mạnh mẽ hơn. Ta cần phải tiến tới chỗ để điều tốt mà trí khôn có thể nắm được có khả năng bén rễ trong ta thành một xu hướng sâu xa về cảm xúc, một thèm khát sự thiện vượt quá mọi hấp dẫn khác và giúp ta hiểu ra rằng điều ta coi như tốt một cách khách quan cũng tốt ‘đối với ta” ở đây và bây giờ. Giáo dục đạo đức tốt bao gồm việc chỉ cho người ta thấy làm điều đúng là điều tốt đối với họ. Ngày nay, càng ngày người ta càng thấy việc đòi hỏi một điều gì đó cần đến cố gắng và hy sinh là điều kém hữu hiệu, mà không chịu chỉ cho người ta thấy rõ các ích lợi mà việc này có thể đem tới.

266. Các thói quen tốt cần được khai triển. Ngay các thói quen của tuổi thơ cũng có thể giúp diễn dịch các giá trị quan trọng đã được nội tâm hóa thành các lối hành động lành mạnh và vững bền. Người ta có thể có tinh thần xã hội và cởi mở với người khác, nhưng nếu trong một thời gian dài họ không được các vị trưởng thượng huấn luyện để nói được những câu như “xin vui lòng”, “cám ơn”, và “xin lỗi”, thì thiên hướng tốt ở bên trong sẽ không dễ dàng xuất hiện ra bên ngoài. Việc củng cố ý chí và việc lặp đi lặp lại một số hành động chuyên biệt chính là những viên gạch xây nên tác phong luân lý; không có việc lặp đi lặp lại một cách có ý thức, tự do và trân trọng một số khuôn thước của tác phong tốt, thì việc giáo dục luân lý không thể diễn ra. Chỉ ước muốn mà thôi, hay chỉ thấy được lôi cuốn vào một giá trị nào đó mà thôi, không đủ để truyền dẫn nhân đức nếu không có các hành vi được thúc đẩy một cách thích đáng này.

267. Tự do là một điều kỳ diệu, nhưng nó cũng có thể bị tiêu tan và khuất dạng. Giáo dục luân lý phải đi đôi với việc vun sới tự do bằng các ý nghĩ, khuyến khích, áp dụng thực tiễn, kích thích, tưởng thưởng, gương sáng, mẫu mực, biểu tượng, suy tư, khích lệ, đối thoại và không ngừng suy nghĩ lại cách ta thực hiện các sự việc; tất cả những điều này có thể giúp ta phát triển các nguyên tắc ổn định nội tâm dẫn chúng ta tới chỗ làm điều thiện một cách tự phát. Nhân đức là một xác tín đã trở thành nguyên tắc hành động vững vàng ở bên trong. Như thế, đời sống nhân đức xây đắp, củng cố và lên khuôn tự do, kẻo ta trở thành nô lệ cho các khuynh hướng hạ nhân phẩm và phản xã hội. Vì chính nhân phẩm cũng đòi mỗi người chúng ta phải “hành động từ một quyết định có ý thức và tự do, như được đánh động và lôi cuốn một cách có bản vị ngay từ bên trong” (293).

Giá trị của việc sửa trị như một thúc đẩy

268. Điều cũng có tính chủ yếu là giúp trẻ em và các thiếu niên hiểu ra rằng tác phong xấu có những hậu quả của nó. Chúng cần được khuyến khích biết đặt mình vào giầy người khác và nhìn nhận các thương tích chúng đã gây ra. Một số hình phạt, những hình phạt dành cho tác phong hung hăng, phản xã hội, có thể có ích một phần cho mục tiêu này. Điều quan trọng là huấn luyện một cách chắc chắn để trẻ em biết xin tha thứ và sửa chữa sự thiệt hại đã làm cho người khác. Khi diễn trình giáo dục đã sinh hoa trái trong sự lớn mạnh của tự do bản thân, trẻ em sẽ tiến tới chỗ biết đánh giá điều này: quả là tốt đẹp được lớn lên trong một gia đình, và thậm chí chấp nhận các đòi hỏi mà diễn trình đào tạo nào cũng đặt ra.

269. Sửa trị cũng là một thúc đẩy bất cứ khi nào các cố gắng của con cái được đánh giá và thừa nhận, và chúng cảm nhận được sự tin tưởng không ngừng và kiên nhẫn của cha mẹ. Trẻ em nào được yêu thương sửa trị đều cảm thấy mình được chăm sóc; chúng thấy rõ: chúng là các cá nhân với các tiềm năng được công nhận. Việc này không đòi cha mẹ phải hoàn hảo, nhưng đòi họ phải có khả năng khiêm nhường biết nhìn nhận các giới hạn của mình và cố gắng cải thiện. Nhưng, một trong những điều con cái cần phải học từ cha mẹ là không nên giận quá mất khôn. Đứa con nào làm điều sai phải được sửa trị, nhưng không bao giờ bị coi như một kẻ thù hay một đối tượng để trút hết thất vọng lên đó. Người lớn cũng cần hiểu ra rằng một số loại tác phong có liên hệ với tính mỏng dòn và có giới hạn của tuổi trẻ. Thái độ lúc nào cũng nghiêng về trừng phạt chỉ gây hại chứ không giúp con cái hiểu ra rằng một số hành động nghiêm trọng hơn các hành động khác. Thái độ này chỉ dẫn tới thoái chí và giận hờn mà thôi: “Hỡi các bậc cha mẹ, đừng khiêu khích con cái mình” (Ep 6:4; xem Cl 3:21).

270. Điều quan trọng là kỷ luật không được dẫn tới thoái chí, nhưng thay vào đó, phải là một kích thích để tiến bộ thêm. Làm thế nào để nội tâm hóa kỷ luật cách tốt nhất? Ta phải bảo đảm ra sao để kỷ luật là một giới hạn có tính xây dựng đặt ra cho hành động của đứa trẻ chứ không phải rào cản án ngữ đường phát triển của nó? Phải tìm ra sự cân bằng giữa hai cực đoan cùng có hại như nhau sau đây. Một là cố gắng làm mọi sự xoay quanh các thèm muốn của đứa con; các đứa con này sẽ lớn lên tuy ý thức được các quyền lợi, nhưng không ý thức được các trách nhiệm của chúng. Cực đoan kia là lấy mất khỏi đứa con việc ý thức được phẩm giá, căn tính bản thân và các quyền lợi của chúng; những đứa con này kết cục sẽ bị tràn ngập bởi bổn phận và nhu cầu phải thể hiện các ước muốn của người khác.

Tính hiện thực kiên nhẫn

271. Giáo dục luân lý bao hàm việc chỉ nên yêu cầu nơi đứa trẻ hay thiếu niên những điều không đòi hy sinh bất tương xứng, và chỉ nên đòi một mức cố gắng không dẫn tới oán hận hay bức bách. Thông thường, điều này được thực hiện bằng cách đề nghị các bước nhỏ có thể hiểu được, chấp nhận được và đánh giá được, dù có phải hy sinh cách tương ứng. Nếu không, vì đòi hỏi thái quá, ta liều mình không nhận được gì. Một khi thoát khỏi uy quyền của ta, đứa trẻ dám ngưng, không làm điều tốt nữa.

272. Đào tạo đạo đức có lúc bị phê phán vì các trải nghiệm bỏ bê, thoái chí, thiếu tình âu yếm hay điển hình xấu trong việc làm cha mẹ. Các giá trị đạo đức bị liên kết với các hình ảnh tiêu cực của những nhân vật làm cha mẹ hay các bất cập của người lớn. Vì lý do này, ta nên giúp các thiếu niên biết rút ra các loại suy: tức đánh giá các giá trị được hiện thân tốt nhất nơi một số người gương mẫu, trong khi được thể hiện một cách bất toàn và tới những mức độ khác nhau nơi một số người khác. Đồng thời, vì do dự trước các trải nghiệm xấu, nên chúng cần được giúp đỡ trong diễn trình hàn gắn nội tâm và nhờ thế lớn mạnh trong khả năng hiểu người khác và sống hòa bình với họ và cộng đồng rộng lớn hơn.

273. Khi đề xuất các giá trị, ta cần diễn tiến một cách chầm chậm, lưu ý tới cỡ tuổi và các năng khiếu của đứa trẻ, chứ không nên có tham vọng áp dụng các phương pháp cứng ngắc, thiếu mềm dẻo. Các đóng góp qúy giá của tâm lý học và của các khoa học giáo dục vốn chứng minh sự cần thiết của một tiến độ tiệm tiến mới mong đạt được các thay đổi tác phong, nhưng chúng cũng chứng minh rằng tự do đòi hỏi nhiều mạng lưới và kích thích, vì để nó một mình, tự do không bảo đảm mang lại sự trưởng thành. Trong hoàn cảnh đời thực, tự do khá giới hạn và có điều kiện. Nó không hề là một khả năng thuần túy có thể chọn điều tốt trong tính tự phát hoàn toàn của nó. Người ta không luôn luôn phân biệt được một cách rõ ràng một hành vi “tự ý” (voluntary) với một hành vi “tự do”. Người ta có thể tự ý muốn một điều xấu với một sức mạnh lớn lao của ý chí, nhưng do một đam mê không cưỡng được hay do một nền giáo dục xấu. Trong trường hợp này, quyết định của họ rất tự ý, nó không mâu thuẫn với xu hướng của chính ý chí họ, nhưng nó đâu có tự do, vì họ đã trở nên bất lực, không thể không chọn lựa điều xấu này. Ta thấy điều này trong trường hợp người ghiền ma túy, khi anh ta muốn có ma túy, anh ta muốn nó hết sức, và vì bị lệ thuộc quá nên lúc này anh ta đâu còn khả năng đưa ra bất cứ quyết định nào khác. Thành thử, quyết định của anh ta là tự ý, nhưng đâu có tự do. Câu “để họ tự do chọn lựa” không có nghĩa gì đối với anh ta vì thực tế anh ta không thể chọn lựa, và để anh ta tiếp xúc với ma túy chỉ làm gia tăng sự lệ thuộc mà thôi. Anh ta cần sự giúp đỡ của người khác và một diễn trình giáo dục.

Đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục

274. Gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, nơi ta học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan. Một số khuynh hướng phát triển lúc tuổi thơ và bén rễ sâu đến nỗi chúng tồn tại suốt đời, hoặc như những lôi cuốn đối với một giá trị đặc thù nào đó hay như việc tự nhiên không thích lối hành đông nào đó. Nhiều người suy nghĩ và hành động một cách nào đó là vì họ cho cách này đúng đắn dựa vào những gì họ đã học, như thể được thẩm thấu, từ những năm tháng đầu đời: “Tôi được dạy như thế đó”. “Tôi được học làm như thế đó”. Trong gia đình, ta cũng có thể học cách biết phê phán một số sứ điệp do các phương tiện truyền thông loan tải. Điều đáng buồn cần phải nói là một số chương trình truyền hình hay hình thức quảng cáo thường gây ảnh hưởng tiêu cực và cắt xén các giá trị vốn được khắc ghi trong đời sống gia đình.

275. Thời nay, thời bị lo âu xao xuyến và các tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật thống trị, một trong các trách vụ quan trọng nhất của các gia đình là cung cấp một nền giáo dục hy vọng. Điều này không có nghĩa ngăn cản con cái chơi các trò chơi điện tử, nhưng đúng hơn, tìm những cách thế giúp chúng phát triển các khả năng phê phán, chứ đừng nghĩ có thể áp dụng tốc độ kỹ thuật số vào mọi sự ở trong đời được. Triển hạn các thèm muốn không có nghĩa bác bỏ chúng mà chỉ là hoãn việc thỏa mãn chúng mà thôi. Khi không giúp trẻ em hay các thiếu niên hiểu ra rằng có những điều cần phải biết chờ đợi, thì chúng dễ bị ám ảnh bởi việc phải thoả mãn các nhu cầu tức khắc và phát triển thói hư “muốn nó ngay bây giờ”. Đây là một ảo tưởng lớn không hề cổ vũ tự do mà chỉ làm nó ra suy yếu. Mặt khác, ta được dạy phải trì hoãn một điều gì đó cho tới lúc thích đáng, ta học cách tự chủ và tránh xa các xung động bốc đồng của ta. Khi trẻ em hiểu ra rằng chúng phải chịu trách nhiệm đối với bản thân chúng, lòng tự trọng của chúng được phong phú hóa. Điều này, ngược lại, dạy chúng biết tôn trọng tự do của người khác. Hiển nhiên, việc này không có nghĩa mong trẻ em hành động như người lớn, nhưng nó cũng không có nghĩa đánh giá thấp khả năng lớn mạnh của chúng trong tự do có trách nhiệm. Trong một gia đình lành mạnh, diễn trình học tập này thường diễn ra qua các đòi hỏi do cuộc sống chung đặt ra.

276. Gia đình là khung cảnh hàng đầu để xã hội hóa, vì nó là nơi đầu tiên ta học cách liên hệ với người khác, lắng nghe và chia sẻ, nhẫn nại và tỏ lòng tôn trọng, giúp đỡ nhau và sống như một. Trách vụ của giáo dục là làm chúng ta cảm nhận được điều này: thế giới và xã hội cũng là tổ ấm của ta; nó huấn luyện để ta biết sống với nhau trong tổ ấm rộng lớn hơn này. Trong gia đình, ta học tập sự gần gũi, chăm sóc và tôn trọng người khác. Ta phá vỡ tình trạng có tính định mệnh chỉ biết có mình và tiến tới chỗ hiểu ra rằng ta đang sống với và bên cạnh nhiều người khác đáng được ta quan tâm, tử tế và âu yếm. Sẽ không có bất cứ mối dây liên kết xã hội nào nếu không có việc sống cạnh nhau đầu tiên, hàng ngày và hầu như cực nhỏ này, nếu không có những nẻo đường giao thoa vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nếu không biết lưu tâm đến tất cả những gì tác động đến ta, nếu không giúp đỡ nhau qua những việc tầm thường nhỏ nhoi. Ngày nào, gia đình cũng phải nghĩ ra những cách mới mẻ để đánh giá và thừa nhận các thành viên của mình.

277. Cũng trong gia đình, ta có thể suy nghĩ lại các thói quen tiêu thụ của ta và góp phần vào việc săn sóc môi trường như căn nhà chung của ta. “Gia đình là tác nhân chính của môt sinh thái toàn diện, vì nó là chủ thể xã hội hàng đầu chứa đựng trong mình hai nguyên tắc căn bản của nền văn minh nhân bản trên trái đất: nguyên tắc hiệp thông và nguyên tắc sinh hoa trái” (294). Cũng thế, những lúc khó khăn và bối rối trong đời sống gia đình có thể dạy ta nhiều bài học quan trọng. Điều này xẩy ra khi bệnh hoạn, chẳng hạn, giáng xuống, vì “đối đầu với bệnh hoạn, ngay trong các gia đình, khó khăn cũng sẽ lộ diện do yếu đuối của con người. Nhưng nói chung, thời gian bệnh hoạn giúp cho các mối dây liên kết gia đình lớn mạnh hơn ... Nền giáo dục nào không khuyến khích sự nhậy cảm đối với bệnh tật của con người sẽ làm trái tim ra nguội lạnh; nó khiến người trẻ ‘bị gây mê’ trước nỗi đau khổ của người khác, hết khả năng đối đầu với đau khổ và sống cảm nghiệm có giới hạn” (295).

278. Diễn trình giáo dục diễn ra giữa cha mẹ và con cái có thể nhận được trợ giúp hay cản trở từ sự tinh vi mỗi ngày một tăng của các phương tiện truyền thông và tiêu khiển. Khi được sử dụng tốt, các phương tiện này có thể rất hữu ích để nối kết các thành viên gia đình hiện đang sống xa nhau. Các liên lạc thường xuyên sẽ giúp vượt qua nhiều khó khăn (296). Tuy nhiên, điều rõ ràng là các phương tiện này không thể thay thế được nhu cầu phải đối thoại liên ngã và trực tiếp nhiều hơn, một cuộc đối thoại đòi sự hiện diện thể lý hoặc ít nhất cũng nghe được giọng nói của người kia. Ta biết rằng đôi khi các phương tiện này giữ người ta xa nhau hơn là ở với nhau, như khi đến giờ ăn, ai cũng bận “lướt sóng” (surf) trên điện thoại di động, hay khi một người phối ngẫu thiếp ngủ trong lúc chờ người kia chơi với các dụng cụ điện tử cả hàng giờ. Đây cũng là một điều mà các gia đình cần phải thảo luận và giải quyết cách nào đó giúp khuyến khích việc tương tác qua lại mà không áp đặt các ngăn cấm không thực tiễn. Dù sao, ta không thể làm ngơ các nguy cơ mà các hình thức truyền thông mới này đặt ra cho trẻ em và các thiếu niên; đôi khi, chúng còn có thể cổ vũ sự lãnh cảm và xa rời thế giới thực nữa. Việc “tách rời kỹ thuật” này khiến các em dễ dàng bị thao túng bởi những người muốn xâm lăng không gian tư riêng của các em vì các quyền lợi ích kỷ.

279. Cũng không tốt đẹp gì nếu cha mẹ độc đoán. Khi làm cho con cái cảm thấy rằng chỉ có cha mẹ chúng mới đáng tin, thì điều này sẽ cản trở diễn trình xã hội hóa thoả đáng và lớn mạnh trong sự chín chắn về xúc cảm. Để giúp mở rộng mối liên hệ cha mẹ ra các thực tại rộng rãi hơn, “các cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi nâng đỡ sứ mệnh giáo dục của các gia đình” (297), nhất là qua việc dạy giáo lý liên quan đến việc khai tâm Kitô Giáo. Để phát huy một nền giáo dục toàn diện, ta cần “canh tân giao ước giữa gia đình và cộng đồng Kitô Giáo” (298). Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh sự quan trọng của các trường Công Giáo, những định chế “đóng một vai trò sinh tử trong việc trợ giúp các cha mẹ trong bổn phận dưỡng dục con cái họ ... Nên khuyến khích các trường Công Giáo trong sứ mệnh giúp học sinh lớn lên thành những người trưởng thành chín chắn biết nhìn thế giới với lòng yêu thương của Chúa Giêsu và hiểu đời sống như lời mời gọi phụng sự Thiên Chúa” (299). Vì lý do này, “Giáo Hội mạnh mẽ khẳng định quyền tự do của mình được giảng dạy giáo huấn của mình và quyền phản đối lương tâm của các nhà giáo dục” (300).

Kỳ Sau: Nhu Cầu Giáo Dục Tính Dục


(291) Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 222: AAS 105 (2013), 1111.
(292) Bài Giáo Lý (20 tháng 5, 2015): L’Osservatore Romano, 21 tháng 5, 2015, p. 8.
(293) Gaudium et Spes, 17.
(294) Bài Giáo Lý (30 tháng 9, 2015): L’Osservatore Romano, 1 tháng 10, 2015, p. 8.
(295) Bài Giáo Lý (10 tháng 6, 2015): L’Osservatore Romano, 11 tháng 6, 2015, p. 8.
(296) Cf. Relatio Finalis 2015, 67.
(297) Bài Giáo Lý (20 tháng 5, 2015): L’Osservatore Romano, 21 tháng 5, 2015, p. 8.
(298) Bài Giáo Lý (9 tháng 9, 2015): L’Osservatore Romano, 10 tháng 9, 2015, p. 8.
(299) Relatio Finalis 2015, 68.
(300) Ibid., 58