Tông Huấn
Amoris Laetitia
Niềm Vui Yêu Thương


Chương 4: "Tình yêu trong hôn nhân" (các số 89-104)

 
Chương Bốn: Lòng Yêu Thương và Hôn Nhân

89. Tất cả những điều đã nói từ trước đến nay sẽ không đủ để nói về Tin Mừng hôn nhân và gia đình, nếu ta không đồng thời nói đến lòng yêu thương. Vì ta không thể khuyến khích con đường trung tín và hiến thân cho nhau nếu không khuyến khích việc tăng triển, việc củng cố và việc thâm hậu hóa lòng yêu thương vợ chồng và gia đình. Thực vậy, ơn thánh của bí tích hôn phối, trước nhất, nhằm “bảo vệ lòng yêu thương của cặp vợ chồng” (104). Cả ở đây nữa, ta cũng có thể nói “Giả như tôi có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có lòng yêu thương, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có lòng yêu thương, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13:2-3). Tuy nhiên, hạn từ “yêu thương” thường hay được sử dụng nhưng cũng thường hay bị lạm dụng (105).

Lòng yêu thương hàng ngày của ta

90. Trong một đoạn trữ tình của Thánh Phaolô, ta đọc thấy một số đặc điểm của lòng yêu thương chân thực:

Lòng yêu thương thì kiên nhẫn, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không cao ngạo hay khiếm nhã,
Lòng yêu thương không tìm tư lợi,
Nó không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Lòng yêu thương tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả
(1Cr 13:4-7)

Lòng yêu thương được cảm nghiệm và nuôi dưỡng trong cuộc sống hàng ngày của vợ chồng và con cái họ. Suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩa đoạn văn này của Thánh Phaolô và sự liên hệ của nó đối với hoàn cảnh cụ thể của mọi gia đình là điều hữu ích.

Lòng yêu thương thì kiên nhẫn

91. Chữ đầu tiên được dùng ở đây là makrothyméi. Chữ này không đơn giản chỉ nói tới việc “chịu đựng mọi sự”, vì ta thấy ý tưởng này được phát biểu ở cuối câu bẩy. Ý nghĩa của nó sẽ được rõ ràng hơn nhờ bản dịch Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp, trong đó, ta đọc thấy Thiên Chúa “chậm nổi giận” (Xh 34:6; Ds 14:18). Như thế, chữ này chỉ đức tính của một người không hành động bốc đồng nhưng họ tránh gây xúc phạm. Ta thấy đức tính này nơi Thiên Chúa của Giao Ước, Đấng mời gọi ta bắt chước Người ngay trong đời sống gia đình. Bản văn của Thánh Phaolô khi dùng chữ này cần được đọc dưới sự soi sáng của Sách Khôn Ngoan (xem 11:23; 12:2, 15-18), là Sách vốn tán dương sự kiềm chế của Thiên Chúa, cũng như mở ra khả thể ăn năn, mà vẫn nhấn mạnh tới uy quyền của Người, như đã được mạc khải trong các hành vi thương xót của Người. Sự “kiên nhẫn” của Thiên Chúa, được chứng tỏ qua lòng thương xót của Người đối với những người tội lỗi, là dấu chỉ uy quyền thực sự của Người.

92. Kiên nhẫn không có nghĩa để mình luôn bị đối xử tệ, khoan thứ những vụ gây hấn thể lý hoặc để người khác lợi dụng ta. Ta sẽ luôn gặp vấn đề bất cứ khi nào ta tưởng mối liên hệ ấy hay người ấy hẳn phải hoàn hảo, hay khi ta đặt ta vào trung tâm và mong chờ mọi sự sẽ xoay chiều thuận lợi cho ta. Rồi, mọi sự làm ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm ta phản ứng một cách hung hãn. Nếu không vun đắp tính kiên nhẫn, ta sẽ luôn tìm kế bào chữa cho việc phản ứng đầy giận dữ. Kết cục ta sẽ mất hết khả năng sống với nhau, phản xã hội, không kiểm soát được các bốc đồng của ta, và gia đình ta sẽ trở thành bãi chiến trận. Chính vì thế Lời Chúa dạy ta rằng “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4:31). Kiên nhẫn bén rễ khi ta thừa nhận rằng người khác cũng có quyền sống trong thế giới này, trong con người hiện thực của họ. Đâu có quan hệ gì nếu họ là gánh nặng của tôi, nếu họ phá hoại kế hoạch của tôi, hay làm tôi khó chịu do cung cách hành động hay suy nghĩ của họ, nếu họ không phải như mọi điều tôi muốn họ là. Lòng yêu thương luôn có khía cạnh cảm thương sâu xa dẫn ta tới chỗ chấp nhận người khác như là một phần thế giới này, ngay cả lúc họ hành động khác với ý thích của tôi.

Lòng yêu thương phục vụ người khác

93. Chữ kế tiếp được Thánh Phaolô sử dụng là chrestéuetai. Chữ này chỉ được dùng ở đây trong toàn bộ Thánh Kinh. Nó do chữ gốc chrestós: người tốt lành, người tỏ lòng tốt bằng hành động. Ở đây, trong một song hành chặt chẽ với động từ đi trước nó, nó được dùng như một bổ nghĩa. Thánh Phaolô muốn minh xác rằng “kiên nhẫn” không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ được kèm theo bằng hành động, bằng hành động qua lại đầy năng động và sáng tạo với người khác. Chữ này muốn xác định rằng lòng yêu thương có lợi ích và có tính giúp đỡ người khác. Vì lý do này, nó được dịch là “hiền hậu”; lòng yêu thương luôn sẵn sàng giúp đỡ.

94. Suốt trong đoạn văn này, điều rõ ràng là Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh rằng lòng yêu thương không phải chỉ là một cảm xúc xuông. Đúng hơn, ta nên hiểu nó theo đường hướng động từ “yêu” của tiếng Hípri; tức là “làm điều tốt”. Như Thánh Inhaxiô thành Loyola từng nói, “Lòng yêu thương được biểu lộ bằng hành động hơn là bằng lời nói” (106). Nó biểu lộ tính sinh hoa trái của nó như thế và cho phép ta cảm nghiệm hạnh phúc cho đi, tính cao thượng và vẻ cao cả của việc chúng ta tự cho đi một cách hào phóng không đòi được đền trả, nguyên tuyền vì niềm hân hoan được cho đi và phục vụ.

Lòng yêu thương không ghen tương

95. Thánh Phaolô tiếp tục bác bỏ thái độ do động từ zelói (ghen tương hay ghen tị) diễn tả như là trái ngược với lòng yêu thương. Điều này có nghĩa: lòng yêu thương không có chỗ dành cho việc không vui trước vận may của người khác (xem Cv 7:9; 17:5). Lòng ghen tị là một hình thức buồn rầu gây ra bởi sự thịnh vượng của người khác; nó chứng tỏ: ta không quan tâm tới hạnh phúc của người khác mà chỉ quan tâm tới hạnh phúc của ta mà thôi. Trong khi lòng yêu thương làm chúng ta vươn cao quá chúng ta, thì lòng ghen tị khoá kín chúng ta vào trong chính mình. Lòng yêu thương đích thực biết đánh giá cao các thành tựu của người khác. Nó không coi họ như môt đe dọa. Nó giải thoát ta khỏi vị chua chát của lòng ghen tị. Nó thừa nhận rằng mọi người đều có những ơn phúc khác nhau và con đường đi riêng ở trong đời. Nên nó cố gắng khám phá ra con đường tiến tới hạnh phúc của riêng mình, trong khi để người khác tìm ra con đường riêng của họ.

96. Nói tóm lại, yêu thương là chu toàn hai mệnh lệnh cuối cùng của Luật Thiên Chúa: “Ngươi đừng thèm muốn nhà cửa của người lân cận ngươi; ngươi đừng thèm muốn vợ của người lân cận ngươi, hay đầy tớ nam đầy tớ nữ của họ, hay bò lừa, hoặc bất cứ điều gì của người lân cận ngươi” (Xh 20:17). Lòng yêu thương linh hứng cho lòng qúy mến thành thực đối với mọi người và nhìn nhận quyền được hạnh phúc của họ. Tôi yêu thương người này, và tôi nhìn họ bằng đôi mắt Thiên Chúa, Đấng ban cho ta mọi sự “để ta vui hưởng” (1Tm 6:17). Do đó, tôi cảm thấy một cảm thức hạnh phúc và bình an sâu xa. Cũng một lòng yêu thương bén rễ sâu này đã dẫn tôi tới chỗ bác bỏ mọi bất công trong đó, một số người sở hữu quá nhiều trong khi những người khác thì chẳng sở hữu bao nhiêu. Nó thúc đẩy tôi tìm cách giúp những người bị xã hội vứt bỏ tìm được chút ít niềm vui. Đấy không phải là ghen tị mà là ước nguyện bình đẳng.

Lòng yêu thương không vênh vang

97. Chữ sau đây, perpereúetai, diễn tả sự vênh vang, nhu cầu cần phải kiêu kỳ, dạy đời và đôi chút tự đề cao. Những người biết yêu thương không những tự chế, không nói quá nhiều về chính họ, mà còn tập chú vào người khác; họ không cần là tâm điểm để được chú ý. Chữ sau đó, physioútai, cũng tương tự như thế, cho thấy lòng yêu thương không ngạo mạn. Về phương diện chiểu tự, nó có nghĩa ta không tự “thổi phồng” trước mặt người khác. Nó cũng chỉ một điều tinh tế hơn: bị ám ảnh phải khoe khoang, mất hết cảm thức thực tại. Những người như thế nghĩ rằng, vì “tâm linh” hay “khôn ngoan” hơn, nên họ quan trọng hơn chính con người thực của họ. Thánh Phaolô sử dụng động từ này trong nhiều dịp khác, như khi ngài nói: “sự hiểu biết thổi phồng” trong khi “lòng yêu thương thì xây dựng” (1Cr 8:1). Một số người nghĩ rằng họ quan trọng vì họ hiểu biết hơn những người khác; họ muốn khống chế những người này. Ấy thế nhưng điều thực sự làm chúng ta quan trọng chính là một lòng yêu thương hiểu biết, tỏ ra quan tâm, và bảo bọc người yếu đuối. Ở nơi khác, chữ này được dùng để phê phán những người “bị thổi phồng” bởi sự quan trọng của mình (xem 1Cr 4:18) nhưng thực ra họ đầy tràn những chữ nghĩa trống rỗng hơn là “sức mạnh” thực sự của Thần Khí (xem 1Cr 4:19).

98. Đối với các Kitô hữu, điều quan trọng là biểu lộ lòng yêu thương của họ qua cách cư xử với các thành viên trong gia đình ít hiểu biết đức tin, yếu ớt hay kém chắc chắn trong các xác tín của họ. Có khi, điều ngược lại đã diễn ra: các người có đức tin được coi là chín chắn hơn trong gia đình đã trở thành những người cao ngạo không ai chịu thấu. Đàng khác, lòng yêu thương có đặc điểm khiêm nhường; nếu ta muốn hiểu biết, tha thứ và phục vụ người khác với tấm lòng, thì ta phải chữa trị tính kiêu ngạo của ta để lòng khiêm nhường lớn mạnh. Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ rằng trong một thế giới trong đó quyền lực đang thắng thế, ai cũng tìm cách khống chế người khác, nhưng “không như thế giữa các con” (mt 20:26). Luận lý học nội tại của tình yêu Kitô Giáo không nói tới sự quan trọng hay quyền lực; đúng hơn, “ai là người thứ nhất trong các con phải là người nô lệ của các con” (Mt 20:27). Trong đời sống gia đình, luận lý học thống trị hay cạnh tranh ai là người thông minh nhất hay có quyền nhất sẽ tiêu diệt lòng yêu thương. Lời khuyên răn của Thánh Phêrô cũng được áp dụng vào gia đình: “anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5:5).

Lòng yêu thương không khiếm nhã

99. Lòng yêu thương cũng phải hiền từ và ân cần, và điều này được chữ tiếp theo, aschemonéi, chuyên chở. Nó muốn nói: tình yêu không khiếm nhã hay bất lịch sự; nó không lỗ mãng. Các hành động, lời nói và cử chỉ của nó làm vui lòng người khác, chứ không cọ sát hay cứng cỏi. Lòng yêu thương ghét việc làm người khác đau khổ. Sự nhã nhặn “là trường dạy tính mẫn cảm và vô vị lợi” là điều đòi người ta “phát triển tâm tư tình cảm, học cách lắng nghe, cách nói và, có khi, cả cách im lặng nữa” (107). Nó không phải là một điều mà Kitô hữu có thể chấp nhận hay bác bỏ. Là một đòi hỏi chủ yếu của lòng yêu thương, “mọi con người nhân bản buộc phải sống hòa hợp với những người chung quanh” (108). Mỗi ngày, “ việc bước vào đời sống một người khác, ngay cả khi người này vốn đóng một vai trò trong đời sống ta, đòi ta phải mẫn cảm và tự chế là điều có thể đổi mới lòng tin tưởng và sự kính trọng. Thực vậy, lòng yêu thương càng sâu sắc, nó càng đòi nơi ta lòng kính trọng tự do của người khác và khả năng chờ đợi cho tới khi người khác mở cửa lòng họ cho ta” (109).

100. Để cởi mở đối với việc gặp gỡ người khác cách chân thực, “một cái nhìn nhân hậu” là điều chủ yếu. Điều này bất tương hợp với thái độ tiêu cực luôn sẵn sàng vạch trần các thiếu sót của người khác trong khi làm ngơ các thiếu sót của mình. Cái nhìn nhân hậu giúp ta nhìn xa hơn các giới hạn của chúng ta, biết kiên nhẫn và hợp tác với người khác, bất chấp các dị biệt của ta. Lòng nhân hậu yêu thương xây dựng các dây nối kết, vun sới các mối liên hệ, tạo nên các mạng lưới hội nhập mới và đan dệt được một cơ cấu xã hội bền vững. Nhờ cách này, nó luôn phát triển mạnh mẽ hơn, vì nếu không có một cảm thức thuộc về, ta không thể nâng đỡ việc dấn thân của ta cho người khác; kết cục, ta chỉ đi tìm sự thuận tiện của chính ta và cuộc sống chung sẽ trở nên bất khả hữu. Những người phản xã hội nghĩ rằng người khác chỉ hiện hữu để thỏa mãn các nhu cầu riêng của họ. Thành thử, không còn chỗ nào dành cho lòng nhân hậu yêu thương và việc phát biểu nó ra. Những ai yêu thương đều có khả năng nói những lời phấn khởi, gây sức mạnh, an ủi, và khuyến khích. Đó là các lời chính Chúa Giêsu từng nói: “Này con, cứ yên tâm!” (Mt 9:2); “này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” (Mt 15:28); “Hãy trỗi dậy!” (Mc 5:41); “Hãy đi bình an!” (Lc 7:50; “Đừng sơ!” (Mt 14:27). Đấy không phải là những lời hạ giá người ta, làm cho họ buồn bã, giận dữ hay tỏ ý khinh bỉ. Trong các gia đình của chúng ta, ta phải học cách mô phỏng gương hiền hậu của Chúa Giêsu trong cách ta nói năng với nhau.

Lòng yêu thương thì quảng đại

101. Chúng ta nói đi nói lại rằng để yêu một người khá, ta phải yêu chính mình. Tuy nhiên, bài ca yêu thương của Thánh Phaolô quả quyết rằng lòng yêu thương “không tìm tư lợi” cũng không “tìm điều của riêng mình”. Cùng một ý tưởng này đã được phát biểu trong một đoạn văn khác: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:4). Thánh Kinh nói rõ rằng phục vụ người khác cách quảng đại thì cao quí hơn yêu chính mình. Yêu mình chỉ quan trọng như một điều kiện tiên quyết về tâm lý để có thể yêu người khác: “Xấu với bản thân thì tốt với ai được? Ngay cả với tài sản của mình, nó cũng không được hưởng. Không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình, và đó là công trả cho sự gian ác của nó” (Hc 14:5-6).

102. Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng “Đối với đức ái, ước muốn yêu thương thích đáng hơn ước muốn được yêu thương” (110); thực vậy, “các bà mẹ, những người yêu thương nhiều nhất, tìm cách yêu thương hơn được yêu thương” (111). Thành thử, lòng yêu thương có thể vuợt quá và tràn quá các đòi hỏi của công bình, “không mong được đền trả điều gì” (Lc 6:35), và lòng yêu thương lớn nhất có thể dẫn ta tới “hy sinh mạng sống mình” cho người khác (xem Ga 15:13). Liệu một lòng quảng đại như thế, lòng quảng đại giúp ta khả năng cho đi một cách tự do và trọn vẹn, có thể là một điều thực sự khả hữu hay không? Có, vì Tin Mừng đã đòi hỏi nó: “anh em đã nhận được cách nhưng không, thì phải cho đi cách nhưng không” (Mt 10:8).

Lòng yêu thương không nóng giận hay nuôi hận thù

103. Nếu chữ thứ nhất trong bài ca của Thánh Phaolô nói tới việc phải kiên nhẫn, không phản ứng lỗ mãng ngay tức khắc đối với các yếu đuối và lỗi lầm của người khác, thì chữ kế tiếp ngài sử dụng là paroxýnetai, liên hệ nhiều hơn tới việc bất bình nội tâm do một điều từ bên ngoài gây ra. Nó chỉ phản ứng dữ dội từ bên trong, một sự nóng giận ẩn khuất khiến ta bực mình liên quan tới người khác, như thể họ gây rối hay đe dọa ta và do đó cần được xa tránh. Nuôi dưỡng thứ thù nghịch nội tâm như thế không ích lợi gì cho bất cứ ai. Nó chỉ gây mích lòng và ra xa lạ. Bất bình chỉ lành mạnh khi nó khiến ta phản ứng chống một bất công trầm trọng; khi thấm nhiễm thái độ của ta đối với người khác, nó chỉ gây hại mà thôi.

104. Tin Mừng dạy ta nhìn ra cái xà trong chính mắt ta (xem Mt 7:5). Các Kitô hữu không thể làm ngơ lời khuyên răn liên lỉ đừng giận dữ của Lời Chúa: “Đừng để sự ác thắng được mình” (Rm 12:21). “Ta đừng mệt mỏi trong việc làm điều thiện” (Gl 6:9). Đột nhiên cảm thấy ước muốn trả thù là một chuyện mà chiều theo uớc muốn ấy, để nó bén rễ trong tâm hồn ta, là một chuyện khác: “Hãy giận dữ nhưng đừng phạm tội; đừng để mặt trời lặn trên sự giận dữ của anh em” (Ep 4:26). Lời khuyên của tôi là đừng để một ngày qua đi mà không làm hòa trong gia đình. “Và làm thế nào để làm hòa đây? Qùy gối xuống chăng? Không! Chỉ cần một cử chỉ nhỏ thôi, một việc nhỏ mọn thôi, cũng đủ để hòa khí gia đình được tái lập. Chỉ một mơn trớn nhỏ, không cần phải nói năng chi. Nhưng đừng để một ngày qua đi mà không làm hòa trong gia đình bạn” (112). Phản ứng đầu tiên của ta khi ta bị làm phiền nên là một phản ứng chúc lành tận đáy lòng, xin Chúa chúc lành, giải thoát và chữa lành người kia. “Ngược lại, hãy chúc lành, vì anh em đã được kêu gọi làm việc này, ngõ hầu anh em nhận được phúc lành” (1Pr 3:9). Nếu phải đấu tranh một sự ác, thì hãy đấu tranh; nhưng ta phải luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình.

Kỳ sau: Lòng Yêu Thương thì tha thứ ....


(104) Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1641.
(105) Cf. Đức Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 tháng 12, 2005), 2: AAS 98 (2006), 218.
(106) Spiritual Exercises, Contemplation to Attain Love (230).
(107) Octavio Paz, La llama doble, Barcelona, 1993, 35.
(108) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II, q. 114, art. 2, ad 1.
(109) Bài Giáo Lý (13 Tháng 5, 2005): L’Osservatore Romano, 14 tháng 5, 2015, p. 8.
(110) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 27, art. 1, ad 2.
(111) Ibid., q. 27, art. 1.
(112) Bài Giáo Lý (13 tháng 5, 2015): L’Osservatore Romano, 14 tháng 5, 2015, p. 8.